Một nghiên cứu về hình ảnh của Trái Đất vào ban đêm cho thấy hiện tượng ô nhiễm ánh sáng đèn Led đang xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới
Ô nhiễm ánh sáng là gì
Bắt đầu từ khi loài người phát minh ra bóng đèn điện vào năm 1880. Sau đó là bóng đèn led cách đây 56 năm, nhân loại đã có những bước tiến vượt bậc trong việc sử dụng công nghệ chiếu sáng LED trong các hoạt động thường ngày. Có lẽ vì đã quá tận dụng ưu điểm đèn led dẫn đến một loại ô nhiễm môi trường ít ai ngờ tới… là ô nhiễm ánh sáng. Hiểu nôm na, ô nhiễm ánh sáng là việc chiếu sáng quá mức ánh sáng nhân tạo gây cảm giác khó chịu.
Nhóm nghiên cứu sử dụng vệ tinh quan sát thời tiết Suomi NPP của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để đo cường độ ánh sáng vào ban đêm tại các địa điểm khác nhau trên thế giới.
Kết quả cho thấy, từ năm 2012 đến 2018 diện tích những khu vực ngoài trời trên Trái Đất được chiếu sáng đèn led vào ban đêm tăng lên 2% sau mỗi năm. Ngoài ra, độ sáng ban đêm tại nhiều quốc gia thay đổi đáng kể theo thời gian. Một số quốc gia “sáng nhất” như Mỹ và Tây Ban Nha vẫn giữ nguyên độ sáng như cũ. Hầu hết các nước ở khu vực Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Á đều trở nên sáng hơn. Tuy nhiên, độ sáng của Yemen và Syria giảm xuống do cả hai đang trải qua chiến tranh.
Lý giải về tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên thế giới, theo Christopher Kyba, tác giả chính của nghiên cứu cho biết “Việc đưa vào sử dụng ánh sáng LED là một trong những thay đổi vật lý đáng kể nhất của con người đối với môi trường sống. Bởi loại đèn này tiết kiệm điện và sáng hơn so với đèn huỳnh quang và đèn sợi đốt cùng công suất “.
Tác hại của tình trạng ô nhiễm ánh sáng
Tình trạng “mất ban đêm” ở nhiều quốc gia đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho các quần thể thực vật, động vật và con người. Các chuyên gia cảnh báo ô nhiễm ánh sáng có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học ở người, gây mất ngủ. Hoạt động di cư và sinh sản của chim, cá, động vật lưỡng cư, côn trùng và dơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các giai đoạn phát triển của cây xanh trở nên không bình thường. Con người không thể nhìn thấy sao và dải Ngân hà trên bầu trời đêm.
“Con người đang sử dụng quá nhiều ánh sáng vào ban đêm mà chưa thực sự nghĩ đến hậu quả. Cái giá phải trả không chỉ về kinh tế mà còn bao gồm hệ sinh thái và môi trường”, theo Franz Holker; đồng tác giả nghiên cứu tại Viện Sinh thái Nước ngọt và Nghề cá Nội địa Leibniz (Đức), cho biết.