Ngày 06-11-2018 tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo Giới thiệu và Triển khai Chương trình “Dán nhãn Năng lượng hiệu quả và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm chiếu sáng LED” do UNDP ( Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc ) tổ chức.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam” (Dự án LED); do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) hỗ trợ.
Đây là hội thảo thứ 3 trong chuỗi các hội thảo triển khai thí điểm Chương trình Dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm chiếu sáng LED, nhằm phổ biến, hướng dẫn và trao đổi về quy định dán nhãn năng lượng hiệu quả cho các sản phẩm chiếu sáng này. Qua đó, chuẩn bị sẵn sàng cho việc dãn nhãn bắt buộc kể từ ngày 01/01/2020.
Đèn led buộc phải dán nhãn năng lượng theo quy định
Mục tiêu của Chương trình Dán nhãn Năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD) và giảm phát thải 34 triệu tấn CO2 tính tới năm 2030. Lượng điện quốc gia tiết kiệm sẽ vào khoảng 6.000 GWh/năm, giảm nhu cầu đối với khoảng hai nhà máy nhiệt điện đốt than công suất 500 MW (tương đương với 1 tỷ USD đầu tư nhà máy điện).
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc trung tâm Trung tâm Phát triển Công nghệ cao (HTD) khẳng định: “Đây là thời điểm phù hợp để triển khai chương trình dán nhãn năng lượng sản phẩm đèn LED. Sự hỗ trợ của dự án LED trong 02 năm qua đã mang lại sự chuyển đổi tích cực trong kinh nghiệm và trình độ sản xuất cũng như chuyển hướng thị trường chiếu sáng Việt Nam theo công nghệ LED, một công nghệ chiếu sáng tiên tiến hiện nay”.
Vì sao dán nhãn năng lượng với sản phẩm đèn led
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP cho biết: “Việt Nam có mức tiêu thụ năng lượng cao, trung bình khoảng 1,15-1,2kWh/USD, có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn. Ngành chiếu sáng chiếm 25% tổng lượng tiêu thụ điện và có tiềm năng tiết kiệm điện khoảng từ 10-15%.
Do vậy, việc dãn nhán năng lượng là công cụ hiệu quả thúc đẩy tiết kiệm năng lượng; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Ngoài ra, “sự tham gia của các doanh nghiệp trong xây dựng chính sách nói chung, và dán nhãn cho các sản phẩm chiếu sáng LED nói riêng; đóng góp tích cực cho tăng cường thực thi Luật và quy định của Chính phủ”.
Cũng tại hội thảo này, ông Đặng Hải Dũng, đại diện Bộ Công Thương khẳng định: “Thực hiện dán nhãn năng lượng hiệu quả và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm LED không chỉ nhằm thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, mà còn từng bước ổn định và nâng cao chất lượng các sản phẩm LED ở Việt Nam”.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về dán nhãn năng lượng sản phẩm LED tại hội thảo; chuyên gia quốc tế của UNDP – ông My Ton nhấn mạnh: “Cần phải có đủ dữ liệu thị trường để xác định các tiêu chí (hiệu quả, tuổi thọ, chỉ số hoàn màu…) cho dán nhãn năng lượng đèn LED phù hợp với cả các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu lớn và doanh nghiệp nhỏ”.
Cần đề cao nhận thức cho người dân
Việc nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về dán nhãn đèn LED rất quan trọng. Điều đó thúc đẩy hiệu quả chương trình dán nhãn năng lượng; cũng như hạn chế việc thâm nhập của các sản phẩm LED kém chất lượng vào thị trường. Trung bình bóng đèn LED có tuổi thọ từ 25.000 đến 50.000 giờ tương đương với 12 năm sử dụng. Nếu sử dụng bóng đèn đó 12 giờ một ngày có thể tiết kiệm điện từ 50% đến 70% lượng điện hàng tháng.